Workshop: “Làm thế nào để có tiếng nói chung trong gia đình?”
Ngày 24/5/2025, Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam đã tổ chức chương trình Chuyển hóa cùng Chuyên gia số đặc biệt 111 với chủ đề “Làm thế nào để có tiếng nói chung trong gia đình?”. Chương trình đã thu hút sự quan tâm và tham gia của đông đảo khách hàng đến từ nhiều tỉnh thành.
Cha mẹ là “nhân” – con cái là “quả”
Chương trình được dẫn dắt bởi hai Chuyên gia: Chuyên gia Nguyễn Mạnh Cường (Trưởng Dự án Cai nghiện Thế giới Ảo) & Chuyên gia Nguyễn Đức Chính.
Trong buổi chia sẻ, Chuyên gia nhấn mạnh rằng cha mẹ là “nhân”, con cái là “quả” – tức là những gì cha mẹ sống và thể hiện mỗi ngày sẽ âm thầm tạo nên thế giới nội tâm của con. Trẻ không chỉ học từ lời dạy, mà còn sao chép thái độ sống, cách phản ứng, cách yêu thương… từ môi trường gia đình.
Từ câu hỏi gợi mở: Cha mẹ đang là người “rèn”, “dạy”, “nuôi” hay chỉ đơn giản là “đẻ”? – Nhiều phụ huynh đã có sự chiêm nghiệm lại hành trình đồng hành cùng con của mình, nhìn nhận một cách chân thật về mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình. Theo như chia sẻ của Chuyên gia Mạnh Cường thì đây chính là sự “Quan sát”, là bước đầu tiên để chuyển hóa những mâu thuẫn trong gia đình trở nên tích cực hơn.
Gia đình là môi trường đầu tiên con được tiếp xúc từ khi chào đời. Vậy nên để quản lý trẻ, trước tiên cha mẹ hãy quản lý môi trường sống. Nhiều phụ huynh lo lắng khi con hư, nhưng ít khi tự hỏi: Mình đã tạo ra môi trường cảm xúc như thế nào? Một ngôi nhà căng thẳng, so sánh, áp lực sẽ tạo nên những đứa trẻ tổn thương, dè chừng. Ngược lại, một gia đình biết lắng nghe sẽ nuôi dưỡng những tâm hồn dám sống thật, dám sai và dám học.

Chuyên gia Mạnh Cường cũng đã chia sẻ về 4 kiểu phụ huynh, bạn hãy xem mình đang thuộc nhóm nào nhé!
- Đẻ: Chỉ đẻ, không nuôi, chẳng dạy
- Nuôi: Tiền là tất cả – không biết cách dạy; Nuông chiều – nuôi như thú cưng; Dốt – nuôi mà không dạy
- Dạy: Dạy sơ về đạo đức (lý thuyết); Dạy chữ, kiến thức, thành tích; Dạy hơn thua so bì, vẹt nói giỏi
- Rèn: Tập luyện làm tốt từng việc nhỏ; Rèn luyện trong khó khăn (Đạo đức, nghị lực, cách tư duy)
Trong đó, Dạy và Rèn không thể nhanh chóng đạt được ngay mà là một quá trình lâu dài.
Nuôi con không chỉ là cho ăn mà là “gieo” một thế giới nội tâm
Dạy con không chỉ là vài lớp học kỹ năng, mà là hành trình sống cùng, làm gương. Và hành trình đó không cần cha mẹ phải hoàn hảo mà cần đủ tỉnh thức để trở thành một “môi trường lành” cho con được nảy mầm.
Trong workshop đặc biệt này, có nhiều khách hàng tham gia là phụ huynh có con không tham gia đồng hành, chỉ có bố mẹ nhưng vẫn đạt kết quả tốt và thay đổi tích cực rõ rệt. Đó là nhờ vào sự nỗ lực, quyết tâm cao độ của bậc làm cha làm mẹ. Một khách hàng của Chuyên gia Đức Chính đã chia sẻ rằng mỗi ngày chị đều dậy từ 4 rưỡi sáng để thực hành các bài tập do Chuyên gia dẫn dắt.
Ngoài ra, để giúp các phụ huynh vững vàng hơn trên hành trình đồng hành cùng con, Chuyên gia Mạnh Cường đã dành tặng công thức trở thành bạn thân của con: Mình là con, con là mình – Tuy 2 mà 1, đồng cam cộng khổ.
- 2 Đồng: Đồng sự, đồng lõa
- 3 Cùng: Cùng ăn, học, chơi
- 4 Khen: Khám phá, khờ, khen, khuyên
- 3 Không: không xét nét, khó chịu, chỉ trích
Khi có cái nhìn rộng hơn về việc xây dựng môi trường gia đình tích cực thì đây cũng chính là quá trình mỗi người trong nhà rèn Tâm của bản thân.
Khi thân là hành vi – thì tâm là gốc rễ. Muốn một con người sống đúng, không thể chỉ uốn nắn hành vi, mà phải nuôi dưỡng lại tâm. Mỗi ngày, mình đang nuôi lớn điều gì trong Tâm mình? Và nó đang dẫn mình đi lên hay đi xuống?
Giáo dục đúng nghĩa không phải là ép người khác học hay làm theo, mà là giúp họ dịch chuyển từ tâm hướng hạ sang tâm hướng thượng, từ cái tôi vụn vặt sang con người trưởng thành. Muốn vậy, Tâm cũng cần được “nuôi ăn” mỗi ngày bằng những điều tích cực: sách hay, thầy giỏi, bạn tốt, giá trị sống đúng đắn…
Học – Hành và Chia sẻ
Với mong muốn mỗi người tham gia chương trình đều lĩnh hội và hiểu sâu về các kiến thức, Chuyên gia Đức Chính đã thiết kế phần trò chơi tương tác, kết nối sâu. Người tham gia được chiêm nghiệm về quá khứ, tương lai, hình dung tưởng tượng về cuộc hội thoại với 5 người – Nếu mình chỉ còn gặp họ trong 60 phút thì mình nói điều gì và nếu mình được gặp họ thêm thì mình sẽ nói điều gì.
Dù chỉ là một bài tập nhỏ trong thời gian ngắn nhưng nội dung này đã khiến rất nhiều khách hàng rơi nước mắt vì xúc động, neo lại nhiều cảm xúc ý nghĩa.
Trong phần cuối chương trình, các phụ huynh cũng có dịp được bày tỏ, chia sẻ câu chuyện về bản thân/gia đình.
“Bài học sâu sắc nhất đối với tôi là hãy đặt niềm tin vào chính bản thân mình trước. Tôi nhận ra rằng, khi mình thật sự tin rằng mình có thể vượt qua được, tin rằng mọi chuyện sẽ tốt đẹp, thì điều đó sẽ dần trở thành hiện thực. Và con mình rồi sẽ tốt hơn cả những gì mình kỳ vọng.” – Tâm sự của một người mẹ.

Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh nhưng hạnh phúc thì không phân biệt giàu nghèo, sang hèn. Chỉ cần cha mẹ cởi mở, đón nhận sự hỗ trợ kịp thời thì các con luôn có cơ hội để chuyển hóa bản thân trở nên tốt đẹp hơn.
Giống như một phụ huynh đã chia sẻ: “Tôi hiểu rằng, chúng ta cần phải có một niềm tin thực sự vững vàng. Đồng thời, chính bản thân cha mẹ phải giữ được sự bình an trong tâm thì con cái mới có thể bình an được. Giống như luật hấp dẫn vậy, khi mình tập trung vào những điều tích cực, giữ cho mình nguồn năng lượng tích cực, thì con sẽ cảm nhận được điều đó và trở nên ổn định hơn. Ngược lại, nếu cha mẹ cứ lo lắng, bất an thì con cũng khó mà bình yên được.”
Vượt qua rào cản về thời tiết mưa gió và địa lý xa xôi (có gia đình di chuyển từ Nghệ An ra Hà Nội để tham gia), chương trình workshop Chuyển hóa cùng Chuyên gia số đặc biệt 111 (khu vực Hà Nội) đã diễn ra thành công. Rất mong rằng những chương trình tiếp theo sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ và tham gia nhiệt tình của đông đảo Quý khách hàng!
Có thể bạn quan tâm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!